Ngành nào? Nghề nào?

Kiva

New Member
Thời gian nộp hồ sơ thi đại học đã đến nhưng nhiều teen 12 vẫn còn đang rất phân vân, lưỡng lự không biết nên chọn ngành nào, nghề nào. Chọn nghề nghiệp mà mình yêu thích hay đặt bút vào ngành có khả năng "hái ra tiền cao"?

tdt_butchi_nguontin.gif
Theo Mực tím


Xin chia sẻ với các bạn một vài góp ý nho nhỏ của các anh chị sinh viên. Dù không phải là những chuyên gia nhưng những kinh nghiệm mà họ từng trải nghiệm trong việc lựa chọn ngành nghề sẽ không thừa với các sĩ tử 12 đâu!
1. Hợp thời hay hợp mình?
Đa số các teen rất dễ dao động giữa một bên là ngành học mình thích và một bên là những ngành nghề đang "hot", và có cơ hội "hái ra tiền" như y dược, tài chính ngân hàng, báo chí, hàng không...Theo suy nghĩ của một số teen thì "làm việc chủ yếu là để kiếm tiền nên dại gì không chọn những ngành lương cao và có cơ hội kiếm được nhiều tiền". Vậy nên chọn nhóm ngành hợp thời hay hợp mình?

T.Thanh (sv năm ba trường ĐHSP) tâm sự: "Khi phải quyết định chọn ngành học, mình đã phân vân rất nhiều. Vốn là một học sinh xuất sắc của trường nên thầy cô và ba mẹ khuyên mình nên chọn các ngành học "hot", hợp thời. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ khá lâu, mình vẫn quyết định chọn ngành sư phạm. Dù không phải là nghề "hot" nhưng nó phù hợp với khả năng và sở thích của mình. Và bằng chứng là bây giờ mình rất hài lòng với quyết định đó". Trong khi đó, L.Kim (sv năm hai trường ĐHHB) cho biết: "Lúc trước, dù không thích nhưng mình vẫn quyết định chọn ngành tài chính ngân hàng vì đây là ngành đang hot, lại nghe tụi bạn ca ngợi đủ thứ. Thế nhưng sau một năm học trái sở thích, mình đã mạnh dạn thi lại vào một ngành khác. Tuy không hợp thời nhưng hợp mình".

14319HDnghe.jpg
2. Thích+Hợp = Thích hợp
Một phép toán tưởng như không có gì đáng nói nhưng lại là điều kiện tiên quyết trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Nhiều teen cho rằng chỉ cần thích là được, cố gắng là đạt. Tuy nhiên, sở thích và đam mê vẫn chưa đủ. Thực tế cho thấy không chỉ thích, các teen còn phải xét xem mình có phù hợp với ngành học đó không, phù hợp về khả năng, trình độ và cả hoàn cảnh gia đình nữa. Bạn H.Diễm (sv năm hai trường ĐHVH) chia sẻ: "Mình rất thích làm bác sĩ. Dù biết rằng muốn đậu ngành này thì điểm phải thuộc hàng "sao" nhưng mình lại nghĩ đơn giản rằng chỉ cần cố gắng là được. Thế nhưng, giữa lý thuyết và thực hành còn một khoảng cách khá xa. Dù đã cố gắng rất nhiều nhưng điểm của mình chỉ thuộc hạng trung. Thậm chí là không đủ để xét vào một ngành nào đó cùng trường. Vì vậy mà năm sau mình đã rút kinh nghiệm, chỉ chọn những ngành học phù hợp dù trong danh sách những ngành yêu thích của mình".
Một trường hợp đáng tiếc khác với N.Minh (hiện là sv trường ĐHCT). Vốn rất thích học ngành hướng dẫn viên du lịch nên Minh đã không ngần ngại đăng kí ngay. Sau một thời gian học, cô bạn nhận ra rằng ngoài học phí còn có những khoản chi cho cho những chuyến đi thực tập và cả cái khoản trang điểm, học thêm các kỹ năng phụ trợ. Với những gia đình kha khá thì việc này không thành vấn đề nhưng với hoàn cảnh khó khăn của Minh thì bạn đành trở lại điểm xuất phát để chọn cho mình một ngành học phù hợp hơn.
3. Biết người biết ta - Trăm trận trăm thắng
Hiện nay, thầy cô, nhà trường và các phương tiện truyền thông không ngừng hướng dẫn cho các teen 12 những vấn đề liên quan đến kì thi tuyển sinh đại học như tỉ lệ chọi, điểm chuẩn các năm, các môn học trong ngành học đó...Tuy đây không phải là yếu tố quyết định việc đậu hay rớt của các thí sinh nhưng nó lại giúp các bạn hình dung được phần nào về các ngành nghề để có sự lựa chọn thích hợp.

Thanh Trúc (sv năm hai trường ĐHKT) chia sẻ: "Các bạn không nên xem thường những thông tin trên vì nó giống như một cẩm nang giúp bạn tỏ tường hơn trước một rừng các sự lựa chọn. Do không có sự tìm hiểu kĩ càng nên trong kì thi đại học đầu tiên, mình đã chọn một ngành học mà mình đã đinh ninh rằng có điểm chuẩn thấp. Nhưng không ngờ rằng năm đó, điểm lại tăng lên khá cao do nhiều yếu tố tâm lí xã hội. Thế là đành lỗi hẹn cánh cổng đại học năm ấy".
Trước những bước ngoặc lớn của cuộc đời, tất nhiên chúng ta sẽ không tránh khỏi những băn khoăn, lưỡng lự. Hãy suy nghĩ thật chính chắn, đừng quên tham khảo thêm các thông tin từ thầy cô, bạn bè và báo đài nhưng cần giữ vững lập trường của mình nếu tin rằng đó là một lựa chọn đúng đắn. Hy vọng rằng các teen sẽ có những lựa chọn thật sáng suốt!
 
Top