Những người không dám nghĩ đến cái Tết quê

[ẹc]

Giải cứu ốc sên
Staff member
Đã gần nửa thế kỷ nay họ chưa được trở về quê hương, nỗi niềm nhớ quê, “thèm” vị Tết quê hương luôn thường trực trong họ.

Xót thương cho những mảnh đời mắc bệnh phong ở Trại phong Vân Môn, Thái Bình luôn đau đáu một nỗi niềm nhớ quê hương. Họ là những con người mắc bệnh “hủi” đã rời xa quê hương hơn nửa thế kỷ, gắn bó với trại phong và coi đó như là nhà của mình. Cái Tết cận kề, lòng họ lại sôi lên nỗi nhớ quê da diết, thèm hương vị Tết quê…đã lâu lắm rồi.
Trại phong Vân Môn thuộc Bệnh viện Phong Da liễu Vân Môn (Vũ Thư, Thái Bình) đang nuôi dưỡng hơn 600 bệnh nhân phong được chia thành các khu bệnh nhân phong và làng phong.
Mỗi tháng 63 nghìn tiền ăn, 13 cân gạo và 1 lạng xà phòng
Theo đoàn từ thiện đến Trại phong Vân Môn (xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư, Thái Bình) vào ngày cuối đông giá rét, tôi sững sờ thấy một bà cụ lê từng bước trên sàn nhà lạnh lẽo trong căn phòng trống tuếch khu nhà “liệt” – là ngôi nhà hai tầng nằm phía sau dành cho những bệnh nhân nặng nhất.
Thấy có khách lạ, cụ kéo lê chân nhọc nhằn ra cửa trò chuyện với chúng tôi. Thấy cụ run lên, tay cụ co quắp lại, chân cụ đã cụt gần hết ngón do căn bệnh phong hơn 70 năm nay. Cụ là Nguyễn Thị Mùi, 81 tuổi vào nhà “liệt” từ tháng 2 năm ngoái.
e19b4fdb-20bf-419a-9949-a556d8dafe40.jpg
Cụ Mùi 81 tuổi không thể mở tay ra, cụ chẳng đi lại được nữa​
Hỏi ngày cụ về đây, cụ thều thào nói: “Về đây đã được hơn 30 chục năm rồi cháu ạ. Tay đau lắm, gần một năm tay cứ nắm chặt không mở ra được, không đi được nữa rồi”.

Im lặng hồi lâu, bỗng thấy giọng nói của cụ Triệu Văn Gốc đang khập khiễng tươi cười ôm thùng mì tôm bước vào phòng. Cụ tâm tình cụ vào đây từ năm 1957, năm nay cụ 83 tuổi. Nghẹn ngào khi thấy tay cụ đã mất cả bàn, cụ đeo chân giả đã 10 năm nay, nên việc cầm nắm đồ vật đối với cụ đã thành quen không có gì khó khăn cả.
c39e197f-4436-43aa-9068-624fef803728.jpg
Cụ Gốc vào đây đã hơn 50 năm nay, căn bệnh này đã "ăn" mất hai bàn tay
và nửa đôi chân của cụ​
Cụ Gốc chia sẻ: “Ở đây các cụ giúp đỡ nhau lúc trái nắng trở trời, cơm nước, sinh hoạt. Cảnh nào vui cảnh đấy cháu ạ, đã vào đây rồi cùng cảnh ngộ với nhau, đỡ đần nhau lúc tuổi già”.

Cụ Gốc kể rằng cụ ở Thanh Xuân Bắc, năm 16 tuổi cụ không may mắc căn bệnh phong, nhưng vẫn ở nhà lao động cắt cỏ, chăn trâu vì là con nhà nghèo. Đến khi không thể làm được việc gì nữa, cụ đành phải vào trại để chữa trị.

Được biết hơn bệnh nhân phong diện nặng nhất ở đây được hỗ trợ 200 nghìn đồng, 13 cân gạo và 1 lạng xà phòng trong một tháng; đối với bệnh nhân nhẹ đang là 63 nghìn đồng. Khi nhận được 100 nghìn và bột giặt từ đoàn từ thiện Hội phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế, cụ Gốc vui mừng nói: “Thế là có tiền mua thêm đồng rau, lạng thịt, con tôm tép để ăn thêm rồi”.

Rời khu nhà liệt, tôi đến khu nhà bán liệt 8,9,10, mỗi phòng có 7 cụ đều phải đeo chân giả suốt mấy năm qua. Cụ Qũy (78 tuổi) ở nhà 9 vào trại từ đầu năm 1956 nói: “Thỉnh thoảng thấy nhức buốt ở đầu gối, nhất là mùa rét chẳng đi lại được nhiều”.

Ở đây không ai là không biết hai chị em sinh đôi Maria Trương Thị An và Trương Thị Khánh (14 tuổi). Tôi sững sờ khi thấy khuôn mặt của hai em. Mặc dù không mắc bệnh phong, nhưng hai chị em sinh đôi phải chịu đựng đau rát, ngứa ngáy và sự xa lánh hắt hủi của mọi người suốt 18 năm nay bởi căn bệnh vẩy cá. Nghe mọi người kể rằng An và Khánh là người dân tộc, bị vứt trên rừng ở Thái Nguyên khi chỉ bé bằng nắm tay.
1eed41aa-b4b0-45fc-b329-0b43debf9167.jpg
Hai chị em sinh đôi An, Khánh mắc căn bệnh vảy cá đã hơn chục năm nay, em
chẳng nhớ được gì nữa. Em không biết bố mẹ em là ai, em ở đâu?​
Tết quê hương… quá xa vời
Theo ông Bùi Huy Thiện (Giám đốc bệnh viện Phong Da liễu Vân Môn) thì hầu hết các cụ ở khu nhà liệt đã có “thâm niên” ở trại phong nửa thế kỷ nay. “Họ không có quê, không có gia đình, con cái, độc thân. Mấy chục năm nay họ không đi lại được, tất cả mọi sinh hoạt như tắm giặt, ăn uống…đều do người điều dưỡng hỗ trợ”, ông Thiện cho biết.

Ông Thiện kể thêm rằng có nhiều cụ ở đây tâm sự nhớ quê hương mặc dù có quê để về, nhưng con cháu giờ cũng chẳng còn đoái hoài đến họ nữa. Như trường hợp của cụ Cao Thị Tường, 85 tuổi vào đây 50 năm, phải dùng chân giả hơn 10 năm nay. Cụ ở Phú Thọ, có 3 người con nhưng không nuôi được, mấy năm nay chẳng có con cháu đến đón, hỏi thăm gì cả. Cụ đã có 50 cái Tết ở cái trại này, cũng coi như quê hương của cụ rồi.

Hỏi cụ Gốc về quê của cụ, cụ lặng đi một lúc, đôi mắt cụ hơi đỏ, xúc động bộc bạch: “Mấy năm đầu, còn khỏe dành dụm ít tiền để về quê. Giờ già yếu rồi, làm sao còn đi được nữa hả cháu”.

Mặc dù được bệnh viện có tổ chức Tết cho các cụ ở đây, vẫn có bánh chưng, vẫn có quà tết, nhưng… cái Tết ở quê thì không bao giờ lẫn vào đâu được.
c1f74cc4-ce0b-407c-ba2c-d653df6f2d3d.jpg
90c6e654-5f6a-4754-898f-5d7df0252a91.jpg
03bd95cf-1c15-4d1b-90b0-337c3872ac0d.jpg
Ở cái tuổi gần đất xa trời này, cái Tết quê hương là quá xa vời với những
mảnh đời cô đơn ở đây​
Còn hai chị em An và Khánh không được đi học, chỉ nhớ được tên mình, chẳng nhớ được cái gì nữa. Em cũng không biết bố mẹ mình là ai, quê mình ở đâu, các em chỉ biết rằng hàng ngày ăn được mấy bát cơm và coi đây là gia đình lớn, quê hương của mình. Chưa bao giờ An và Khánh có một cái Tết quê và không bao giờ được bố mẹ mua quần áo mới đi thăm ông bà…

Nhắc cái Tết ở quê, cụ nào cũng trầm buồn. Mấy chục năm nay không được đón cái Tết ở quê hương. Ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ Gốc chỉ mong muốn duy nhất một lần nào đó được trở về nơi chôn rau cắt rốn, thăm họ hàng bà con hàng xóm.

Rời trung tâm, lòng tôi xáo trộn. Tôi suy nghĩ xuân sắp về, năm nay họ lại có cái tết ở đây. Dường như không chỉ cụ Gốc, cụ Tường, cụ Mùi mà của gần 600 bệnh nhân ở đây đều “thèm” hương vị tết quê hương. Nó không phải là xa xỉ, nhưng sẽ quá xa vời đối với những mảnh đời cô đơn hàng ngày vẫn đau đáu nỗi nhớ hướng về quê hương.
Theo Kim Ngân/Giáo dục Việt Nam
 
Top