Trời mưa có hai người che chung một chiếc dù

moonyAnn

Active Member
<div align="center">Tôi thường đi bộ đến công ty và từ công ty đi bộ về nhà. Mỗi lượt như thế mất hơn nửa tiếng. Không phải tôi thích ngắm cảnh hay vì nhàn rỗi quá. Thật sự thì sau tám tiếng đồng hồ làm việc, tôi chỉ muốn ngả lưng xuống giường ngủ ngay lập tức. Vấn đề là tôi không có xe.
Đơn giản thôi, không có xe thì đi bộ. Trong những ngày nắng đẹp thì đi bộ cũng ổn thôi. Quái quỉ, hôm nay trời lại mưa, mưa nặng hạt. Từng hạt dày ken đầy không gian. Tưởng như không gian được dệt bằng triệu triệu sợi chỉ mảnh trong suốt.
* * *


Tôi không mang áo mưa mà mang theo dù. Cây dù này tôi mua khi mới vào năm thứ nhất đại học. Khi xúc động quá đồng thời trẻ quá, người ta hay có những quyết định dại dột. Một trong những quyết định dại dột đó là cây dù này đây. Tôi có thể mua được đến hai cái áo mưa loại trung, có thể đỡ ướt hơn nếu tôi không mua nó. Những ngày đi học tôi đã cho nó nghỉ phép dài hạn trong kẹt tủ. Thật không ngờ bốn năm sau tôi lại nhìn thấy nó trong một cuộc tổng vệ sinh phòng trọ.
Tôi mới ra trường, vừa được nhận thử việc vì vậy tôi vui (những niềm vui bồng bột và tội nghiệp!). Kết quả là tôi lặp lại sai lầm cũ khi mang nó theo. Cái dù che mưa cho tôi một cách hết sức vô trách nhiệm! Dù sao thì tôi cũng còn có một niềm an ủi duy nhất qua sai lầm này: tôi vẫn còn… trẻ! Hai mươi hai! Tôi vẫn có thể tha hồ rét run trong mưa, dưới một cây dù màu mè làm dáng. (Nhưng dứt khoát là chỉ hôm nay thôi đấy, thêm một ngày nào nữa thì đừng hòng!). Hắt xì! Ối trời ơi!
Tôi liếc nhìn mọi người với cặp mắt ghen tị. Người ta ai cũng phóng xe ào ào, khoác trên mình một cái áo mưa đáng thèm muốn. Ơ hay, sao tôi không ở lại công ty để nhờ ai đó chở về nhỉ? Bình thường thì tôi ngại (mới vào làm mà) nhưng hôm nay trời mưa to như thế này, nhất định sẽ có người tốt bụng cho tôi quá giang chứ. Tôi sẵn sàng đổi một ngàn lần tuổi trẻ ngốc nghếch và bướng bỉnh của mình lấy sự trưởng thành. Người ta nói sự trưởng thành sẽ giúp chúng ta nhiều thứ, đem lại nhiều kết quả tốt đẹp. Còn tôi, ngay bây giờ tôi chỉ mong mình trưởng thành để có thể yên ổn ngồi trên xe một vị nào đó ở công ty và tót vào phòng trọ sau hơn mười phút!
Một phụ nữ lớn tuổi đi một mình trong mưa sẽ nghĩ gì nhỉ? Nghĩ về rau thịt, về công việc, về con cái, về chồng và về nhân tình (nếu có)? Chà, rắc rối đây! Chồng con hay nhân tình? Nhân tình hay chồng con? Chồng thì thô lỗ này, vụng về này, chè chén này hoặc kiểu cách, tẻ ngắt, thiếu quan tâm; nhưng chồng có “ưu điểm” không thể phủ nhận được là đã có với mình một (hay vài) đứa con.
Ưu điểm của chồng còn là một quá khứ êm đềm khi anh ấy chờ ta mà không nhăn mặt này, khi anh ấy thường xuyên tặng ta những bó hoa mà trong khi tươi cười đón nhận, ta nghĩ: “Tốt hơn thì anh ấy nên gom tất cả tiền mua hoa lại để tặng mình một chiếc áo đầm!”. Còn nhân tình thì sao? Nhân tình là quá khứ của chồng, hoặc quá khứ của một cuộc tình trước đây không trọn vẹn, hoặc là bản thân của quá khứ (tức tình cũ, không rủ cũng tới). Chọn ai đây? Chồng hay nhân tình? Trong cơn mưa này, ta có thể tạm trú ở đâu đó suốt dọc đường, lúc thì ở mái hiên một ngôi nhà tồi tàn, lúc thì ở mái hiên một ngôi nhà sang trọng. Nhưng có trú ở đâu đi chăng nữa, thậm chí dù mưa có hết hay không, ta cũng trở về nhà. Chồng là ngôi nhà ấy. Có thể khi trở về nhà mình, ta sẽ ca cẩm, rầu rĩ, nhưng không thể không về.
Còn tôi, một cô gái hai mươi hai tuổi, sẽ nghĩ gì khi cầm dù đi dưới mưa như thế này? Tôi chả nghĩ gì. Tôi tìm xem có ai cầm dù đi như mình không. Dù màu gì nhỉ? Sọc carô nam tính này, màu đen mạnh mẽ này, màu xám bí ẩn này. Hừm, thôi đi! Tôi long trọng tuyên bố rằng tôi chưa từng thấy một anh chàng nam tính, mạnh mẽ, bí ẩn nào lại cầm dù đi bộ dưới mưa trong thời buổi này. Mà này, sao lại phải cần đến hai chiếc dù nhỉ? Chiếc dù của tôi màu gì? Màu đỏ. Màu đỏ cháy bỏng! Tôi nhớ có một bộ phim tựa là Cánh buồm đỏ thắm. Chiếc dù của tôi sẽ là cánh buồm, cơn mưa này sẽ là đại dương. Và một chàng hoàng tử sẽ xuất hiện, anh ấy sẽ nói cái câu mà Philip trong tác phẩm Kiếp người của Maugham đã nói: “Anh đã chờ em từ lâu lắm rồi!”.
Chàng hoàng tử của tôi sẽ là ai nhỉ? Là anh chàng đồng nghiệp của tôi ư? Phòng tôi mười lăm người, trong đó có ba nam. Hai người được cả phòng gọi là chú, người còn lại là anh. Công ty tôi làm việc đến 11 giờ rưỡi, chiều bắt đầu lúc 13 giờ, trễ giờ sẽ bị trừ lương. Hai chú đã làm việc lâu năm, cái “lâu năm” đã tỏ ra có giá trị trong trường hợp này: có quyền đi trễ mà không phải tiếc nuối khi lãnh lương. Mười ba trên tổng số mười lăm nhân viên đều ở lại phòng buổi trưa.
Các chị lót những miếng giấy cứng lên nền nằm nghỉ lưng. Các chị bảo tôi nằm cùng nhưng tôi từ chối: “Em không quen ngủ trưa”. Thật ra tôi không tin rằng chỗ ấy có thể đủ cho ba người, dù tôi bé như một đứa trẻ. Tôi ngồi nghỉ ngay trên ghế của mình. Anh cũng thế. Những lúc ấy, ánh mắt anh nhìn tôi, ái ngại. Tôi biết ơn vô cùng ánh mắt đó. Ở đời, hiếm khi người ta cho không nhau cái gì. Thành ra chỉ với một ánh mắt ấm áp cũng nên biết ơn đi là vừa. Khi tôi hỏi anh về công việc, anh chỉ dẫn tôi, nhìn chung cũng tận tình. Thế rồi một lần, đáp lại tiếng quát của sếp, anh đã vội vàng nói rằng: “T. làm đấy, không phải tại em!”. Tôi giật mình ngẩng lên nhìn anh. Anh quay đi, bối rối…
Những giọt nước trong suốt rơi xuống thành cầu, vỡ ra muôn nghìn mảnh li ti rồi tan biến. Thủy tinh cũng vỡ. Chẳng lẽ cái gì trong suốt cũng vỡ sao? Nhưng không phải cái gì vỡ, cũng tan đi như thế. Những mảnh thủy tinh đâu có dễ dàng tan được. Mưa cứ hồn nhiên rơi. Từng giọt biếc ngời hòa thành dòng, rồi cứ thế mà trôi.
Nếu như bây giờ anh xuất hiện tôi sẽ quên đi câu nói đó. Giá mà giữ lại những chuyện đã qua trong lòng có thể cải thiện được số ký rất đáng buồn của tôi - chưa đầy 29kg - tôi cũng đã giữ rồi. Anh, thay vì phóng xe đi, sẽ dắt bộ theo tôi. Và tôi sẽ giơ cao “cánh buồm đỏ thắm” để che cho hai người. Không còn mưa, không còn công việc, không còn nỗi lo bị trừ lương, không còn căn phòng chật hẹp. Tất cả đều trôi đi, chỉ còn tôi và anh. Chỉ còn anh và tôi. Lúc ấy, tôi sẽ hỏi rằng:
- Em sẽ che mưa cho anh suốt đời như thế này, anh có đồng ý không?
Hắt xì! Thôi, thôi, không được rồi! Thực tế chút đi! Bây giờ nếu gặp anh ấy, tôi sẽ gọi anh ấy ngay lập tức, sẽ xin quá giang và tốt nhất là leo luôn lên xe, cho dù anh ấy có đồng ý hay không! Tôi đưa mắt nhìn con đường trắng xóa, cố tìm xem chàng hoàng tử của tôi đâu rồi. Lúc này, hoàng tử xuất hiện một mình cũng thật sự không cần thiết. Phải là bạch mã hoàng tử cơ! À không, hồng mã hay hắc mã gì cũng được, Dream hay Wave gì cũng được, vấn đề là phải phóng cho nhanh.
Chàng hoàng tử của tôi sẽ là ai? Hay sẽ là anh? Gần một năm nay chúng tôi không gặp nhau. Anh ở cách tôi nửa vòng trái đất. Ngày sinh nhật của anh, tôi tạm quên đi những bộn bề thi cử, cho cô bé tôi dạy kèm nghỉ xả hơi. Tôi mua tặng anh một món quà xinh xắn và tự tay vẽ một cái thiệp, gửi đi. Hình như món quà ấy bị thất lạc. Tôi gửi đi đã lâu mà sao chẳng thấy anh nhắc tới.
Tôi hỏi anh có nhận được cái gì đặc biệt không, anh bảo không. Bảo “không” thì tôi phải hỏi lần thứ hai chứ biết sao bây giờ, anh gửi tôi một cái email, nói rằng: “Em gửi cái gì cho anh thì cứ nói ra, đừng chơi trò úp mở như trẻ con thế! Anh đang bận lắm, anh không rảnh, em biết không?”. Tôi dỗi. Anh gửi tiếp cho tôi hai cái thư. Tôi không trả lời. Thế rồi thôi. Thôi hẳn. Cũng không đáng ngạc nhiên lắm, vì không có những lời hẹn hò. Tình cảm mảnh như sợi chỉ đã mục, căng nhẹ mà cũng đứt. Trong trường hợp này cũng chẳng cần nghiên cứu lỗi tại ai. Con đường dẫn tới “nhà tôi” đây rồi. Đi hết con đường này, rẽ vào một hẻm nhỏ nữa là tới phòng trọ. Anh sẽ chẳng thể chờ tôi cuối con đường. Hoàng tử của tôi là ai tôi không biết, nhưng chắc chắn không phải là anh.
Mưa vẫn rơi, ồn ã và tất bật. Sao đến cả mưa cũng nhọc nhằn trong từng giọt buốt?
* * *


Cuối cùng thì người che chung dù với tôi cũng xuất hiện. Người ấy đầu trần, đi dưới mưa. Người ấy chào tôi và mỉm cười với tôi. Người ấy là thằng bé gõ mì.
“Hoàng tử bé” đi cùng đường với tôi. Và tôi giơ “cánh buồm đỏ thắm” che cho cả hai. Thằng bé nhảy nhót dưới chiếc dù. Tôi hỏi nó có đi học không. Nó nói nó học dang dở lớp ba, vừa mới nghỉ. Trời đất! Nhìn nó, tôi cứ tưởng nó sáu tuổi là cùng! Tôi hỏi nó nghỉ học có buồn không. Nó lắc đầu, nói không. Tôi thì thấy ngược lại. Nó còn nhỏ quá. Nhỏ đến nỗi chưa biết tiếc cái điều sau này sẽ làm nó khổ. Nó kể nó đã thấy tôi mấy lần rồi. Nó còn mời tôi ăn mì nữa nhưng lúc đó mặt tôi ngầu quá, ngôn ngữ như một thứ hàng xa xỉ, không chịu dùng. Sao lâu nay tôi không để ý đến nó nhỉ? Nhà trọ đây rồi. Thằng bé nhanh nhảu chạy vụt đi:
- Chị vô nhà, em đi đây!
“Hoàng tử bé” giơ cao hai thanh tre qua đầu, lách cách gõ vào nhau. A ha, thằng bé này không xem như mình đang làm việc. Nó đang chơi một trò chơi! “Bạn” của nó là những thanh tre bé nhỏ. Một trò chơi có âm thanh và có những người cùng chơi một cách vô tình. Đó là những ai lên tiếng: “Mì gõ!”. “Hoàng tử bé” mất hút. Tiếng gọi của tôi rớt giữa tiếng mưa. Sao tôi không mua một tô mì nhỉ? Mà sao nó cũng không nhớ đến việc nên mời tôi? Tự dưng tôi nghĩ đến những vì sao, những vì sao reo lanh canh như tiếng chuông mà Exupery đã từng miêu tả. Hai thanh tre, khi đùa giỡn cùng nhau, cũng reo lên như thế… Tối nay, thế nào tôi cũng ngắm sao (nếu như trời có sao!).
Những giọt mưa rơi xuống, vỡ ra thành muôn nghìn bụi sáng, rồi hồn nhiên tan đi. Thủy tinh cũng vỡ. Cái gì trong suốt cũng dễ vỡ. Nhưng không phải cái gì cũng có thể tan đi...</span>
 
Top