Mỗi ngày 1 truyện

noitiengtunho

New Member
Anh chàng có bộ mặt hề



Từ nhỏ đến bây giờ tôi vẫn thích xem những bộ phim của vua hề Charlot, dù là phim đen trắng. Tôi đã học được ở ông cách “tếu tếu” nghiêm trang khi viết truyện. Chỉ tiếc một điều tôi chưa học được cách im lặng mà vẫn khiến người ta bật cười như trong những bộ phim câm của ông. Truyện của tôi còn nhiều đối thoại, còn “nói” quá nhiều . Đấy là một khuyết điểm tôi chưa sửa chữa được.

*
* *



Tôi đang cắm cúi đánh máy bảng kết toán cuối năm để trình giám đốc ký. Chợt có tiếng cười vang của các bạn trong phòng, khiến tôi phải ngẩng mặt nhìn lên. Một thanh niên lạ mặt đứng ngơ ngác ở giữa phòng, tay đang mân mê chiếc mũ nỉ màu nâu đỏ. Khuôn mặt anh có vẻ gì đó tếu tếu khó diễn tả. Bộ râu mép của anh đã cạo sạch, vẫn nổi lên một vệt đen ở dưới mũi trông như râu vua hề Sạclô . Có lẽ thấy tôi nghiêm mặt không cười (tôi vẫn mang tiếng là "bà cụ non"), anh rụt rè bước đến hỏi:

- Xin lỗi, đây có phải là phòng kế toán tổng hợp?

- Đúng vậy ạ.

Tôi chưa kịp mở miệng, ba cô bạn đã đồng thanh trả lời rồi cười vang. Bây giờ tôi mới biết họ cười vì anh đi hai chân "chàng hảng" chữ bát. Tôi hỏi:

- Anh cần gặp ai ?

- Tôi muốn gặp trưởng phòng.

Anh móc túi đưa tôi giấy quyết định bổ nhiệm có chữ ký của giám đốc. Tên anh là Lê Hữu Nghiêm. Nghề nghiệp: kỹ sư điện tử. Chức vụ: Phó phòng kế toán. Chị trưởng phòng của chúng tôi đi vắng. Tôi mời anh đến ngồi đợi ở chiếc bàn của chị. Tôi vẫy tay gọi cô bạn đến cuối phòng, nói nhỏ:

- Phó phòng của tụi mình đó.

Lan trợn mắt hỏi:

- Mi định "hù" tụi tao hả?

Tôi lắc đầu . Nguyệt hỏi:

- Chắc anh ta thuộc loại COCC (*) gốc bự, chứ tướng đó xin vào làm nhân viên hợp đồng giám đốc cũng không nhận.

- Đừng coi thường. - Tôi nói - Ông ấy tốt nghiệp kỹ sư điện tử đó.

Hương bĩu môi:

- Bằng "dỏm". Tao nghĩ ông ấy đã tốt nghiệp lớp diễn viên hề.

Ba cô bạn lại che miệng cười khúc khích rồi nhỏ to nói chuyện. Tôi trở về bàn ngồi đánh máy tiếp. Thỉnh thoảng nhìn lên, tôi thấy anh vẫn ngồi im như pho tượng ở bàn trưởng phòng. Anh ngồi rất nghiêm trang nhưng trông cũng buồn cười . Một lúc sau, chị Tâm, trưởng phòng đi công tác về. Ba cô bạn vội ngồi vào bàn chăm chỉ làm việc.

Hai người trao đổi với nhau điều gì đó, rồi chị Tâm gọi chúng tôi đến giới thiệu với anh chàng có bộ mặt hề. Anh đứng dậy, lễ phép cúi chào từng người khiến ba cô bạn của tôi lại được dịp cười . Chị Tâm nói:

- Các em hãy làm quen với anh Nghiêm, phó phòng của chúng ta . Anh tuy biên chế ở phòng, nhưng lại làm việc bên giám đốc. Anh coi máy vi tính của xí nghiệp. Thôi các em về chỗ làm việc. Chị đưa anh Nghiêm đi giới thiệu với các phòng ban khác.

Đúng như lời chị Tâm nói . Hằng ngày anh Nghiêm chỉ tạt qua phòng một chút, để chị Tâm thấy mặt chấm công. Sau đó, anh đi đâu mất. Có lần tôi lên phòng giám đốc để trình lý báo cáo sử dụng vật tư trong tháng nhưng không gặp ông. Tôi ngó qua phòng bên cạnh để tìm ông. Trong căn phòng lắp kính, chạy máy lạnh, anh Nghiêm đang ngồi trước một dàn máy có màn hình nổi lên những con số như tivi . Tôi tò mò đứng xem. Anh Nghiêm thấy tôi, vội chạy ra mở cửa, mời vào .

- Tuyết muốn hỏi chuyện gì?

- Cái máy này là "bộ óc" của xí nghiệp phải không anh?

- Đúng vậy . Tuyết thắc mắc điều gì nó sẽ giải đáp ngay .

Tôi cười nói, tôi muốn biết tại sao lương của tôi thấp quá vậy? Anh Nghiêm hỏi tôi vào làm ở xí nghiệp được bao lâu, bậc lương mấy. Anh ngồi xuống máy nhấn nút, những con số hiện ra. Anh trả lời tại cơ chế quan liêu bao cấp cần tinh giảm biên chế mới được hưởng lương cao. Tôi nói như vậy chẳng cần máy tính tôi cũng biết, và để trêu anh, tôi hỏi:

- Về chuyện tình yêu, máy có giải đáp được không?

- Được chứ. Nếu Tuyết cung cấp đầy đủ dữ kiện về người Tuyết yêu, tôi sẽ cho biết chính xác lương hai người cộng lại đủ nuôi dưỡng tình yêu trong bao lâu .

Không biết anh nói đùa hay thật, tôi bỏ đi về phòng. Tôi kể cho ba cô bạn nghe về sự kỳ lạ của máy vi tính. Lan cười nói:

- Được rồi, tao sẽ nhờ ông ấy dùng máy vi tính tìm giúp tao một người chồng đúng "kích cỡ".

Chiều đó, khi ra về tôi thấy anh Nghiêm đứng lóng ngóng đợi ai ở góc đường. Tôi vừa đi ngang, anh nói:

- Tôi muốn thông báo với Tuyết, tôi đã tìm ra người yêu của Tuyết.

Tôi chưng hửng:

- Ai vậy ?

- Qua máy vi tính tôi được biết lương của tôi cộng với lương của Tuyết đủ nuôi dưỡng tình yêu trong một tháng.

Tôi phì cười vì anh chàng "mát" này . Nhưng không hiểu sao vẫn nhận lời đi uống nước với anh. Tôi ngượng đỏ mặt khi đi bên anh vào quán đông người . Có người tế nhị che miệng cười nhưng cũng có người cười hô hố nói:

- Vua hề Sạclô tái xuất giang hồ.

Người ta thường nghĩ vượt qua những giọt nước mắt thật khó khăn, nhưng tôi lại nghĩ vượt qua những nụ cười diễu cợt còn khó khăn hơn. Người ta rất dễ yêu mến một anh hề trên sân khấu, nhưng một anh hề ngoài đời lại bị diễu cợt. Phải chăng vì đời sống đã có quá nhiều trò hề, nên người ta chán một anh chàng có bộ mặt hề?

Bây giờ tôi mới hiểu và thông cảm với anh Nghiêm. Anh đã phải chịu đựng nhiều vì bộ mặt hề của mình. Anh cho biết năm nay anh 38 tuổi, vẫn chưa lập gia đình. Vì cô nào nghe anh tỏ tình cũng phì cười, cho anh nói giễu chơi . Người ta khó mà tin được lời nói đứng đắn ở một bộ mặt hề. Tôi nói:

- Anh hãy thay đổi cách diễn tả để họ không buồn cười, như viết thư chẳng hạn.

- Không phải tại cách diễn tả mà tại quan niệm của tôi về tình yêu . Tôi nghĩ yêu nhau không phải là ngồi dựa lưng vào nhau rồi bốn mắt nhìn về bốn hướng. Yêu nhau là nhìn thẳng vào mắt nhau để giúp nhau lấy những hạt bụi trong mắt.

Thú thật, tôi đã phải bậm chặt môi để khỏi bật cười . Không biết có phải máy vi tính đã giúp anh có quan niệm đó?

Sau một thời gian tìm hiểu, tôi đã quyết định nhận lễ hỏi của anh Nghiêm. Mặc cho ba cô bạn cùng phòng khuyên ngăn. Lan nói:

- Nhìn bộ mặt ông ấy mà mi tin ông ấy nói thật à? Ông ấy giễu mi đó.

Hương nói:

- Trên đời này chỉ có tình yêu đứng đắn chứ làm chi có "tình hề".

Nguyệt nói:

- Hay mi "yêu" chức phó phòng?

Tôi đều lắc đầu không trả lời . Con tim có lý lẽ của nó mà tôi không giải thích được. Nhưng anh Nghiêm hỏi tôi, tại sao không từ chối tình yêu của anh. Tôi nói:

- Anh có bộ mặt "hề". Em có bộ mặt "bà cụ non". Chúng ta sẽ bổ sung cho nhau . Con cái chúng ta vừa giống cha vừa giống mẹ, chúng sẽ có bộ mặt bình thường.

Anh Nghiêm xiết chặt tay tôi, sung sướng mỉm cười . Lần đầu tiên tôi thấy anh cười . Nụ cười trông thật thảm thương. Tôi thầm nghĩ thà anh đừng cười, như vậy còn hay hơn.

(*) COCC = con ông cháu cha
 

noitiengtunho

New Member

Người đàn bà xinh đẹp và người đàn ông xấu xí


Ngay lúc tìm ra số ghế trên máy bay, Trung đã kịp nhận ra có một người đàn bà rất đẹp sẽ ngồi cùng hàng với mình. Con người vốn được trời phú cho một trực giác vi diệu, trong đó vi diệu nhất có lẽ là sự cảm nhận cái đẹp.







Trong một cuộc hành trình, có được một người đàn bà đẹp ngồi bên cạnh, bao giờ cũng là một điều thú vị. Cái thời gian lê thê của chuyến đi sẽ không còn trở nên khó chịu. Cơ thể bải hoải sẽ được thổi một luồng gió lành, khiến ta khỏe khoắn hơn, dáng vẻ sẽ chỉnh chiện hơn, còn ánh mắt ta thì sẽ trẻ trung hơn, tươi vui hơn... Nói tóm lại, có một người đẹp đồng hành sẽ là một điều may mắn. Nhưng chưa kịp hoan hỉ với dịp may hiếm có ấy thì Trung đã nhận ra cùng hàng ghế với mình còn có một người đàn ông. Và anh cụt hứng ngay khi biết người đàn ông và người đàn bà xinh đẹp này đi cùng nhau. Người đàn ông xếp đồ lên ngăn hành lý xong, ngồi vào ghế giữa, cái ghế ngăn cách anh với người đà bà xinh đẹp. Ông ta nhanh nhẹn, dáng vẻ khiêm nhường đứng lên, nép người dành chỗ cho Trung len vào ghế trong cùng, sát bên cửa sổ.







Còn ít phút nữa máy bay mới cất cánh. Qua câu chuyện, Trung hiểu họ chính là vợ chồng. Mà người vợ (quả là Trung đã không lầm) mới đẹp làm sao. Trên đời này có hai loại người đàn bà đẹp. Loại thứ nhất là người đẹp ưa nhìn thoáng; loại thứ hai là dạng đàn bà càng nhìn, càng thấy đẹp. Loại thứ nhất đã là quý, loại sau là vừa quý, vừa hiếm. Người đàn bà này đây là loại thứ hai. Cái đẹp toát lên ở cả dáng, da và mặt; vừa rực rỡ, vừa kín đáo, kỳ lạ hơn nữa là vẻ đẹp của chị ta lại bao hàm những thông điệp trái ngược. Khuôn mặt đầy đặn, đôi mắt to lóng lánh, mạnh bạo nhưng lại ánh lên sự đoan chính, sang cả của người thường xuyên tiếp xúc chốn lịch lãm. Đôi môi dày, vẻ như tham lam, dễ dãi, nhưng làn khóe lại phân minh, biểu thị sự khôn ngoan, kiêu kỳ. Và cái cổ, cái cổ cao, thanh tú vừa biểu hiện của sự khéo léo, đôn hậu, vừa như vô tâm, lơ là. Nhưng, cũng chính cái cổ lại là vật phản chủ. Với ba ngấn không còn được thoáng đãng; hơi đậm hơn bình thường, nó đã vô tình phát ra thông số về tuổi tác. Người đàn bà này không còn trẻ. Chắc cũng phải ngoài bốn mươi một chút. Nhưng như thế thì lại càng đúng là một người đẹp. Gần như không son phấn, không nước hoa, chị ta không tận dụng phương tiện làm đẹp như những người ở lứa tuổi này thường làm. Quả là một người đẹp, đầy tự tin - Trung nghĩ.







Máy bay sắp cất cánh, người chồng lúi húi kiếm sợi dây an toàn, nhanh nhẹn cài khóa cho vợ. Ông ta dặn vợ cách ngồi thẳng lưng, ép sát vào thành ghế khi máy bay bắt đầu chạy lấy đà. Vậy là bông hoa đẹp này đã có chủ. Và "chủ" là một người cực kỳ xấu xí. Chao ôi đã biết là xấu, nhưng Trung không nghĩ rằng người đàn ông này càng nhìn, lại càng xấu đến thế. Ông ta khoảng ngoài năm mươi tuổi. Mặt gãy, mũi tẹt, da lỗ chỗ, đen đúa. Nhưng trời bù lại cho được đôi mắt. Đôi mắt to, ánh màu xanh da trời, hóm hỉnh và chân tình. Người như thế này mà lại giữ được trong tay một bông hoa đẹp như thế kia thì hoặc phải là tỉ phú, hoặc là bạo chúa. Lập tức, cái khôn ngoan của người đàn ông dậy Trung rằng, phải biết tránh sang một bên. Hãy như một con ngựa thổ mộ, hai đuôi mắt bị bưng kín bởi hai miếng da, cứ thẳng lối, lóc cóc nước kiệu và không nhìn thấy gì ở ngay bên cạnh. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng Trung vẫn không khỏi bị hút về phía người đàn bà. Bởi thế, khi máy bay vừa lấy xong độ cao, đèn cài dây an toàn vừa tắt, Trung đã khéo léo dùng cặp mắt có độ nhạy kỹ thuật số "bảy chấm năm" từ phía sau gáy ông chồng, hướng về phía người đàn bà. Lập tức, anh nhận được tín hiệu rất kín đáo và sành sỏi. Nàng, không nhìn về phía Trung. Nét mặt nàng, không thay đổi, đôi mắt vẫn dán vào trang tạp chí Heritage Fashion, nhưng lại ánh lên chút thích thú (sự thích thú được khéo léo ngụy trang bởi khuôn mặt chăm chú với những hình ảnh lạ mắt trên trang báo). Và đôi môi, đôi môi vẫn đoan trang, song làn môi cong thoáng giật lên nhè nhẹ. Hệt như tín hiệu moóc của anh lính hải quân; chỉ là cây cờ với vài ba cái phất ngang- dọc - lên - xuống, nhưng chứa đựng biết bao điều: Vâng, em là một con tàu đang lênh đênh, cô quạnh giữa đại dương với bao sóng giữ và đá ngầm. Em khao khát biết bao một dải đất xanh tươi, đầy hoa và tiếng chim hót...







Thông điệp hấp dẫn là vậy, nhưng không thể có cách nào đáp trả. Anh bấm ghế ngả ra phía sau, nghĩ vu vơ, cười thầm chính bản thân mình. Dù thừa biết là mình đang thi vị hóa chuyện ánh mắt và cây cờ của anh thông tin hải quân, Trung vẫn thầm chép miệng tiếc rẻ và thiếp đi lúc nào không hay. Phải cho đến lúc có tiếng cô tiếp viên mời hành khách chọn bữa ăn nhẹ, Trung mới bừng tỉnh. Người đàn ông xấu xí ngồi bên vỗ vỗ vào cánh tay anh, nhắc:







- Dùng mì xào đi anh. Cho nó nhẹ bụng.







Rồi cũng vẫn ông ta, cẩn thận đón hộp mì từ tay cô tiếp viên, kèm theo lời cảm ơn và đặt nó lên chiếc bàn trước mặt Trung với thái độ thật nhã nhặn. Xong cái công việc chăm sóc cho hàng xóm, ông ta lại quay sang khay ăn của vợ. Với những động tác khéo léo, tỉ mỉ của người thợ kim hoàn, ông mở nắp hộp, xếp gọn những gói gia vị, xé bao ni lông lấy thìa, khăn... từng cử chỉ như được gửi gắm một tình cảm thân thiết hệt như người bố chăm sóc đứa con gái cưng bé bỏng.







Nhìn người đàn ông nói, làm Trung không khỏi ngạc nhiên. Dường như động thái ấy không hợp một chút nào với khuôn mặt xấu xí, đôi vai rộng, vuông vức như cửu vạn của ông ta. Nhưng rồi Trung nhận ra rằng ẩn chứa đằng sau sự xấu xí thô kệêch ấy là một tâm tình cởi mở, thân thiện. Cái điều mà bấy lâu nay anh ít nhận được ngay cả với người vẫn thường xuyên tiếp xúc. Phát hiện ra điều này, Trung cảm thấy thích thú, dễ chịu. Và bắt đầu từ đây, Trung kín đáo theo dõi từng tiếng nói, cử chỉ của người đàn ông xấu xí.







Bữa ăn nhẹ kết thúc, cũng lại chính người đàn ông nhanh nhẹn nhấc khay đồ ăn của Trung đưa trả cô tiếp viên. Ông ta cũng làm thế với vợ mình, không để vợ kịp động tay, mặc dù chị ta ở gần sát ngay tủ của cô tiếp viên.







Bữa ăn nhẹ đã hoàn thành khâu hoạt động của lịch trình. Máy bay đang bay trong vùng thời tiết tốt, tiếng động cơ rung lên nhè nhẹ. Trung lại bật ngửa ghế, lim dim mắt, lắng nghe đôi vợ chồng trò chuyện. Người chồng cầm trên tay cuốn Heritage Fashion, người vợ ngồi nép bên cạnh, chăm chú:







- Đây là một công trình kiến trúc nổi tiếng ở A Ten... Không... Họ văn minh lắm. Chắc em không thể ngờ là họ đã đạt đến con số 45% hộ dân ở đô thị thực hiện mua sắm trên máy vi tính. Cái đặc biệt ở họ là sự bảo tồn văn hóa. Em biết không, mọi công trình xây dựng ở gần kiến trúc cổ đều phải có quyết định cấp nhà nước.







Cứ thế, từng trang, từng trang của tờ báo ảnh, khi là Niudilan, khi là Paris... người chồng ân cần dịch những chú thích ảnh bằng tiếng Anh cho vợ. Với giọng đằm thắm, lên bổng xuống trầm, như một người cha, ông giảng giải cho cô vợ ngồi bên, hệt như nói với cô con gái ngoan ngoãn, nũng nịu.







Máy bay chuẩn bị hạ cánh. Trung và đôi vợ chồng sắp chia tay. Qua một vài câu thăm hỏi thông thường giữa hai người ngồi cạnh nhau trên một chuyến bay (thăm hỏi biểu thị lịch sự, chứ không phải để làm quen), Trung được biết người đàn ông "hàng xóm" là giám đốc một công ty một trăm phần trăm vốn nước ngoài, đầu tư phần mền trong công viên mới mở ở thành phố Hồ Chí Minh. Hai vợ chồng họ ra Bắc chuyến này là về thăm quê. Họ có hai con, một trai, một gái. Cậu con trai chính là người thanh niên vừa nhận được giải thưởng quốc tế trong một cuộc thi thiết kế phần mềm ở Pháp mà ti vi phát đi phát lại suốt tuần qua. Tết này "cháu không về được vì còn phải làm nốt cái đề tài ứng dụng phần mền dành cho chăn nuôi ở các nước đang phát triển. Đề tài được một chương trình quốc tế tài trợ trọn gói" - người đàn ông xấu xí nói giọng khiêm tốn. Riêng đứa con gái, năm ngoái vừa đạt được chương trình học bổng của Nhật. "Hiện cháu đã bay thẳng từ Nhật về Hà Nội chờ bố mẹ để cùng về quê". Không hiểu sao nghe chuyện về hai đứa con của đôi vợ chồng này, Trung cứ đinh ninh một điều: con của họ chắc sẽ có sắc đẹp của mẹ và trí thông minh của người cha.







Hai vợ chồng người đàn bà xinh đẹp và người đàn ông xấu xí, hòa vào dòng người xuống máy bay. Người chồng mang toàn bộ đồ đạc, kể cả cái túi đeo nhỏ xíu của vợ. Ông băng lên trước, thỉnh thoảng lại dừng lại giây lát, để tạo ra khoảng đất trống cho vợ đặt những bước chân líu ríu phía sau.







Trung vẫn không khỏi tò mò theo dõi đôi vợ chồng. Người chồng lưng thẳng như cây luồng, sải những bước dài, ngay ngắn, vững chãi. Đằng sau, chị vợ ngoan ngoãn, khuất phục, pha chút tự hào. Hệt như một con mèo đẹp mã, đuôi vổng lên cao, mặt hơi có chút ngơ ngác làm dáng, người đàn bà xinh xắn nương theo bóng ông chồng - một chú chó Bun giốc mạnh khỏe, uy lực, bất khả xâm phạm... Họ đi bên nhau và làm nên một sự "khập khiễng". Cái khập khiễng tuyệt vời của tạo hóa, khăng khít, không thể tách rời.
 

noitiengtunho

New Member
Công chúa ngủ

Slawomir Mrozek (Ba Lan)


Công chúa Ngủ đang ngon giấc trên một chiếc giường đầy hoa có nắp đậy bằng pha lê.

Nàng xinh đẹp, phúc hậu và thông minh, tuy vậy cái sắc đẹp, cái phúc hậu và cái thông minh đang ngủ cùng nàng. Nàng đã tồn tại, song nàng ngủ li bì, cho nên coi như không có nàng. Chỉ có sắc đẹp của nàng hiện lên qua nắp pha lê trong suốt, nhưng đó không phải là nét ưu của tính cách của nàng. Từ thuở nảo thuở nào nàng chìm trong giấc ngủ, những người tí hon tốt bụng đứng thành vòng tròn vây quanh nàng, chặn lối vào của lũ cướp và thú dữ. Họ biết rằng, chỉ có Hoàng tử Lãng du mới được quyền đến bên nàng. Có điều không biết chắc chắn Hoàng tử có đến hay không. Nhưng rồi họ mừng rỡ khi vào một sáng tháng năm những người tí hon trung thành nhìn thấy Hoàng tử đang du ngoạn đúng vùng này. "Chỗ này? Chỗ này?" - họ gọi to và lao vào mở nắp pha lê.

Hoàng tử tiến lại gần. Chàng ngắm nhìn và - Ôi, nàng Công chúa ngủ này mới đẹp làm sao. Do phản xạ mạnh, chàng khom người và hôn lên đôi môi hồng nhạt của nàng. Đúng như dự tính.

Công chúa mở mắt, nàng tỉnh dậy và nhìn thấy Hoàng tử đang cúi xuống sát mặt mình. Nàng ôm chẩm lấy cổ chàng, còn những người tí hon vây quanh nhảy múa hân hoan. Họ cũng rất mừng là từ nay không còn phải túc trực bên công chúa nữa và bây giờ thì họ có thể đi lo việc riêng của mình.

Khi những người tí hon nhảy đi xa dần, Hoàng tử vẫn ôm Công chúa, còn Công chúa vẫn ôm Hoàng tử. Tới khi lưng chàng mỏi dừ, Hoàng tử đành ngồi ghé vào thành giường pha lê, nhưng người vẫn cúi khom xuống mặt Công chúa, còn Công chúa vẫn tiếp tục ôm ghì lấy chàng - Hoàng tử không thể thay đổi hẳn tư thếlúc này của mình được. Vì vậy sau một hồi lâu chàng hỏi nàng:

- Bây giờ sẽ là cái gì đây?

- Bây giờ thì ta cứ giữ nguyên như thế này mãi mãi - Công chúa đáp

- Mãi mãi? - Hoàng tử ngạc nhiên.

- Tất nhiên. Chẳng phải vì thế mà chàng đã đánh thức em dậy và hôn vào đôi môi hồng nhạt của em đấy ư?

- Thế nhưng, nàng Công chúa của anh ơi, làm vậy mãi liệu chúng ta có phát chán hay không?

- Em chẳng hiểu chàng nói gì. Đó chính là hạnh phúc chứ còn gì. Hoàng tử lúng túng và không tranh luận tiếp nữa, bởi chàng không nỡ làm vậy. Mãi một hồi lâu chàng mới lại nói, nhưng lần này Hoàng tử cố gắng trình bày cái nhìn chủ quan của mình có vẻ như là khách quan.

- Nàng thấy không, hỡi Công chúa quý mến của anh, về mặt chủ quan thì anh hoàn toàn nhất trí với nàng, nhưng về mặt khách quan thì sự việc được diễn giải như thế này: anh là Hoàng tử lãng du đã được chương trình hóa, có nghĩa là anh sinh ra là để lãng du khắp thế gian dặng tìm các Công chúa ngủ. Hễ tìm thấy được một Công chúa ngủ nào đó thì anh tiến lại bên nàng, hôn lên đôi môi hồng nhạt của nàng. Lúc đó nàng tỉnh dậy, nhưng sau đó thì nàng không còn là việc của anh nữa. Và thế là anh lại tiếp tục lên đường.

- Các Công chúa ngủ nào cơ...? Em đây chính là Công chúa ngủ chứ còn ai.

- Đúng thế! Dĩ nhiên. Có nghĩa là, nàng là Công chúa thì quá rõ rồi, nhưng không còn là ngủ nữa. Nàng không còn ngủ nữa, trong khi đó những nàng Công chúa tội nghiệp khác vẫn tiếp tục ngủ li bì và dơi ngày được đánh thức.

- Những nàng Công chúa khác là những nàng nào? - Công chúa vặn lại với giọng điệu khiến Hoàng tử không dám mở rộng dề tài nữa.

- À ở đâu đó í mà. Thôi, không nói chuyện này nữa.

Công chúa dừng lại ở câu trả lời chưa đầy đủ, bởi như người ta nói nàng thông minh. Cho nên chỉ còn cách, bây giờ đến lượt Công chúa, cố gắng trình bày với Hoàng tử cái nhìn chủ quan của mình có vẻ như là khách quan:

- Chàng nói phải, em là Công chúa, thế nhưng không còn là ngủ nữa. Có điều chính chàng đã đánh thức em dậy và bây giờ thì em không ngủ nữa. Vậy nếu bây giờ chàng ra đi và em sẽ không ôm chàng trong cánh tay em nữa thì em sẽ là ai bây giờ và biết làm gì bây giờ? Công chúa nói đầy sức thuyết phục.

- Quả đúng, đó là vấn đề và mỗi lúc anh càng cảm nhận, câu chuyện thần thoại này được viết theo lối dình mệnh. Tác giả chương trình hóa chúng ta theo cách, mọi chuyện chỉ ăn khớp với nhau đến một thời điểm nào đó, rồi sau đó bắt đầu sinh mâu thuẫn. Thôi thì bây giờ chúng ta hẵng cứ duy trì tư thế này, biết dâu tác giả sẽ suy ngẫm, xóa bớt đi cái gì đó, thêm vào cái gì đó, thay đổi cái gì dó... Và có thể chuyện sẽ được sáng tỏ.

Hoàng từ nói như vậy, dẫu rằng mỗi lúc lưng càng thêm mỏi, song chàng thấu hiểu tình cảnh của nàng Công chúa và có tình cảm chân thành với nàng. Thế là họ cứ giữ nguyên xi tư thế đang có lúc này, có điều, ngay Công chúa cũng chẳng thấy hạnh phúc, bởi nàng chưa chắc chắn hếu họ có giữ y nguyên như vậy mãi suốt đời hay không, còn Hoàng tử cũng vậy, vì chàng chưa dám tin, đây là chỉ tạm thời. Mãi một thời gian sau hoàng tử mới nói thế này:

- Anh thèm hút thuốc quá, nhưng hết nhẵn diêm rồi. Nàng có cho phép anh chạy đi lấy diêm?

- Nhưng mà chàng có quay lại không? - Công chúa hỏi vậy, vì nàng thông minh.

- Dĩ nhiên, anh sẽ quay lại. Anh chỉ đi kiếm diêm và rồi quay lại ngay. Anh thèm thuốc quá chừng.

Công chúa đăm chiêu. Một đằng sự thông minh bảo nàng phải hoài nghi, một đằng lòng tất - nàng đã từng tốt bụng, thiên hạ nói vậy - bảo rằng, nàng xót khi nhìn thấy Hoàng từ khổ sở do bị đói in-cô-tin. Sao lại nỡ làm khổ người yêu ở chốn này. Cho nên nàng buồn rầu nói, vì sự thông minh và lòng tốt không thuận với nhau:

- Chàng đi đi.

Hoàng từ bước đi. Đúng là chàng thèm thuốc và đúng là chàng cần diêm - cho nên, về phương diện này thì chàng nói thật. Thế còn thứ khác... Chàng hy vọng với sự trợ giúp của cái sự thực một phần này chàng sẽ lấn át được sự ăn năn về chuyện toàn bộ. Bởi toàn bộ phần còn lại là giả dối. Cho nên Hoàng tử đã hy vọng, bằng cái sự thật một phần chàng sẽ chuộc lại được trong lương tâm mình cái giả dối hoàn toàn. Hy vọng sẽ bị tiêu tan, đó là cái chắc.

Khi hy vọng bị tiêu tan, thì chàng tin ngay. Bởi do bị trừng phạt chàng đã biến thành một con cóc, một con cóc đáng khinh. Và chàng có hình dạng của một con cóc cho tới khi - theo một chuyện thần thoại khác - gặp được một nàng Công chúa có lòng nhân hậu đến mức, không cần để ý đến tên đê tiện khả ố, nàng đưa đôi môi hồng nhạt của mình hôn lên cái mõm sần sùi của hắn. Lúc đó thì hắn mới hiện trở lại là một Hoàng tử
 

moonyAnn

Active Member
NGÀY XƯA ƠI, NGỦ NGOAN

LAM KHÊ

Tôi nhìn đồng hồ trên tay, tự nhiên lại thấy sốt ruột. Hẹn em lúc 7 giờ, còn gần 15 phút nữa. Cũng tại tôi đến sớm, tại tôi chưa từng quen chờ đợi em thế này. Mà cũng tại hơn một năm rồi tôi chưa gặp em.

Tôi bất ngờ. từ lâu rồi, anh không có thói quen gọi trước, ngay cả khi còn yêu nhau. Mà cũng từ lâu rồi, hai đưa không còn liên lạc, tôi đã tưởng sẽ khó mà gặp nhau, cũng chẳng mấy khi tôi còn nhớ đến anh nữa. Cái nỗi nhớ quay quắt, cuồng điên, cái nỗi nhớ mà đã một thời gian dài, một năm, vâng, hơn một năm, tôi mất ăn, mất ngủ vì nó, nay tôi đã quen dần. Mà thôi, chuyện qua rồi.

Em đến, thật đúng giờ. Thấp thoáng từ xa, tôi đã thấy lòng mình rộn ràng như lần đầu hẹn gặp. Chẳng biết em có cố tình, mà lại chọn chiếc váy dài màu hồng phấn. Ngày đầu tiên gặp nhau, tôi đã xao xuyến mãi vì cái màu ấy, quyết tâm tìm em, quen em cho bằng được.

Anh kia rồi, tôi hít thở thật sâu. Tự nhiên thấy mình bình tĩnh lạ. Không có cái cảm giác rộn ràng, hồi hộp như tôi tưởng. Anh bảo, đầy vẻ ý nhị, rằng tôi dạo này trông khác quá. Chắc anh ám chỉ bộ váy tôi mặc trên người. Ngày xưa, có khi nào đi bên anh, tôi lại dám khoác áo đầm, lại còn lộ một phần vai và ngực như lúc này đâu, anh sẽ nhăn nhó, sẽ khó chịu, cho rằng tôi khêu gợi, và sẽ bắt tôi về thay quần áo. Đã từ hơn một năm nay, tôi dần quen với kiểu thích gì mặc nấy, không phải ép buộc, gò mình…

Mắt nhìn thẳng, bình thản và tự tin, em hỏi tôi về công việc, gia đình và… thời tiết. Tình yêu trong em đã chết thật rồi. Vậy mà tôi cứ ngỡ, sự xuất hiện sau một năm xa cách và câu nói tôi chưa quên được em, tôi biết tôi có lỗi nhiều, mong em tha thứ. Kéo em vào lòng, tôi nức nở: “Mình làm lại từ đầu nhé”. Em bình thản: “Chuyện cũ rồi, cho qua đi anh”. Trời ơi, không thể tin được, mới xa nhau hơn một năm, ai đã làm em đổi khác đến thế…
Buổi hẹn kết thúc. Tôi đưa em về trên con đường cũ. Ngày xưa, tôi thường chở em đi dạo quanh trục đường này, có nhiều cây phượng thả lá vàng, thoáng mát, giống với Nha Trang của em. Cũng tại đây, em đã nhận lời yêu tôi, trao tôi nụ hôn đầu. Em quên tôi nhanh đến vậy sao.

Tôi bước vào nhà, nghe tiếng xe anh xa dần. Không còn yêu anh, nhưng tôi đâu mau quên đến thế, con đường ấy có biết bao kỷ niệm. Ngày mới chia tay nhau, chiều nào tan sở, tôi cũng chạy đường vòng để về trên con đường ấy, nước mắt đẫm mi, chỉ muốn chết vì ý nghĩ anh yêu bản thân anh chứ nào yêu tôi. Anh cấm tôi không được vừa online trên forum, vừa chat với anh trên Yahoo Messenger. Anh lục lọi hộp thư của tôi, lần theo nickname tôi trên mạng, chỉ vài câu nói đùa, vài lời rủ rê tôi offline là anh tra vấn, nổi nóng, ghen tuông. Anh không cho tôi mặc váy, lại càng không muốn tôi trang điểm, lúc nào cũng để mặt mộc, sơ-mi, quần jeans anh mới hài lòng. Anh không thích chơi với bạn tôi, vì chúng tôi quá nhỏ so với anh (anh hơn tôi 10 tuổi), nhưng lại buồn rầu, hờn mát như một thằng bé bị bỏ rơi khi thấy tôi đi chơi vui vẻ với bạn bè. Riết rồi, tôi luôn phập phồng, lo sợ như người phạm tội khi đi chơi tối, chẳng muốn đi đến đâu, mà có bất đắc dĩ phải đi, tôi cũng chẳng thấy vui.
Tôi chịu hết, cố gắng để chìu chuộng, hy sinh cả ý thích riêng để anh vui lòng. Chỉ cần anh vui là tôi hạnh phúc lắm rồi. Vậy mà, sinh nhật tôi, anh đi công tác xa. Từ chối cả offline với bạn bè, dời ngày đãi đám bạn ở công ty, tôi hồi hộp chờ điện thoại của anh. Càng về khuya, hy vọng càng mong manh dần, nhưng tôi lại càng trấn an mình rằng anh sẽ gọi, sẽ nói. Mỗi hồi chuông điện thoại là một lần tim tôi đập muốn vỡ tan lồng ngực. Không điện thoại, không một lời chúc. Đêm, tôi gọi, hỏi anh không nhớ gì sao. Giọng ngái ngủ, anh bảo không. Tôi òa khóc, sinh nhật em, mới quen có một năm, anh đã quên rồi. Anh quát lên trong máy điện thoại, em để cho anh ngủ, mai còn làm việc. Quên có một ngày sinh nhật thì đã làm sao, quên năm này thì năm khác nhớ. Anh giận tôi một tuần sau đó, không thèm về thành phố. Một tuần tôi tự ái, tủi thân, một tuần quay quắt nhớ. Rồi không chịu nổi, tôi gọi điện cho anh. Anh bảo “Ừ, anh cũng không chấp em”. cuối cùng, mọi thứ là do lỗi ở tôi. Anh yêu tôi như thế đấy. Mãi sau này, khi xa nhau, bình tâm lại, tôi mới xót xa nhận ra.

Tôi đã định nói với em, tối nay, nhiều hơn thế, rằng, tôi nhận ra rằng tôi không thể sống thiếu em, xin em cho tôi một cơ hội. Nhưng việc ấy, chẳng còn nghĩa lý gì.

Cái ngày tôi nhập viện, anh đang trên đường công tác trở về. Sáu giờ sáng, máy bay hạ xuống đường băng. Vậy mà anh không đến. Một giờ chiều, tôi tỉnh dậy trên bàn mổ, vớ ngay chiếc di động trong túi: không một tin nhắn, không một cuộc gọi. Sao giờ này anh chưa vào thăm? Hay anh bị bệnh, hay anh có chuyện không hay, tôi lo rối lên. Đứa em gái an ủi: “Em vừa gọi, nhà ảnh nói ảnh mới đi ra ngoài, chắc đang đến”. Hai giờ, ba giờ rồi bốn giờ anh vẫn chưa tới, chiều chủ nhật chậm chạp trôi qua trong giấc ngủ mệt nhọc, đứt quãng. Điện thoại anh đã tắt. Hôm nay là ngày nghỉ, anh đi đâu mà giờ chưa đến. Chẳng lẽ anh không biết những lúc này anh là người tôi cần nhất. Yêu nhau mà như thế này sao. Tôi òa khóc vì tủi thân. Đứa em gái cuống cuồng: “Hai đau chỗ nào, em xoa cho”.

Tôi đến nơi, mặt trời cũng tắt bóng. Em đang ngủ, hai dòng nước mắt vẫn chưa khô. Út Lan kéo tôi ra hành lang, em phải dỗ mãi, chỉ mới ngủ, chắc là đau lắm. Anh vừa về tới hả, ở đây em mua cơm lên an nghen, chỉ cũng chưa chịu ăn gì từ lúc lên phòng. Út Lan đi rồi, tôi ngồi quạt cho em, em khẽ mở mắt, vừa thấy tôi, hai giọt nước mắt lăn dài. Tôi vội phân bua: “Đi cả tuần mệt quá, sáng anh ngủ quên, rồi mẹ bắt chở con Hà lên trường xem điểm thi, sẵn tiện hai đứa đi lễ, sáng anh về đâu đã kịp đi”. Em gào thành tiếng: “Lên trường gì mà mất cả ba tiếng, anh nói dối, mà nó không có chân hay sao mà không tự đi”. Chẳng hiểu cái quái gì đã biến em thành thế này, lần mổ này đã được dự báo trước, có bất ngờ, nguy hiểm gì đâu. Hà là em út tôi, hôm nay cũng là ngày có kết quả xét tuyển vào chuyên ngành, chuyện hệ trọng thế, tôi là anh Hai, phải lo chứ. Em khóc to hơn: “Phải mà, tôi còn gì nữa đâu nên anh xem thường, anh về đi, tôi không cần”. Tôi lúng túng, nóng gáy trước những ánh nhìn kín đáo, quay qua nạt em: “Em im đi, sao em không nghĩ trên đường đi anh bị tại nạn, em ích kỷ vừa thôi”. Em quay mặt vào tường, tiếng nức nở nhỏ dần.
Em thật trẻ con, giận hờn đó, rồi cũng mau quên, chẳng cần đến một lời xin lỗi. Em xuất viện, có vẻ trầm lắng, suy tư hơn. Mẹ tôi lo cho em lắm, thân con gái một mình nơi thành phố, ốm đau chẳng có ai lo, mẹ bảo tôi rằng, cưới em về là vừa rồi. Mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng. Vậy mà…

Anh xin cưới, ai cũng bảo tôi hạnh phúc, may mắn mới kiếm được người như anh. Vậy mà tôi như ở trên mây, không thể quên được chuyện ở bệnh viện.
Ba mẹ tôi đến nhà anh trong im lặng, còn nói gì được nữa, làm gì được nữa khi cả hai ngày trời chửi mắng, thuyết phục và cho tôi suy nghĩ, tôi vẫn không đổi ý. Tôi như người mất hồn, không có anh, tôi chẳng còn gì, cái quý giá nhất của đời con gái, tôi cũng trao anh mất rồi. Cũng chính vì nó, mà đôi khi tôi phải uốn mình, phải chịu đựng những vô lý, quá quắt từ anh, vì nó, vì yêu anh, tôi chịu đựng được tính gia trưởng và những yêu sách của anh. Nhưng tôi không chấp nhận được chuyện bị bỏ bê ngay cả khi đau ốm. Mà anh thừa biết, tôi chỉ một thân một mình trong thành phố này, có ai nữa ngoài anh. Quá tam ba bận, chẳng phải ngẫu nhiên mà đã là cá tính, cái tính vô tâm, ích kỷ ngay cả với người mình yêu. Cả buổi, tôi chỉ nói được một câu: “Con xin lỗi, con nhận ra tụi con không hợp nhau”.

Em tránh gặp tôi từ đấy, cũng không nói thêm gì cả, mặc dù tôi điên cuồng đón đường, điên cuồng tra hỏi. Tôi không chấp nhận được việc em bảo em không hợp với tôi. Tình yêu không phải trò đùa, ba năm gắn bó bên nhau, em yêu tôi lắm cơ mà. Em không thể, không thể rũ bỏ tôi nhanh đến thế được, nhất là, khi cả hai chúng tôi đã thuộc về nhau, đã cùng là một. Em làm sao có thể đến được với ai, khi em đã chẳng còn nguyên vẹn, khi em đã hết mình với tôi. Hơn ai hết, em là người sợ sự khiếm khuyết này nhất cơ mà?

Tôi quyết định hủy bỏ hôn lễ, dù phải chịu nhiều lời đay nghiến. Anh vài lần đến tìm, rồi ngừng hẳn. Nghe đâu, anh đã có người yêu mới, mừng cho anh mà xót xa cho mình. Chẳng biết, chàng trai mà tôi sẽ gặp sau này có đủ vị tha để chấp nhận một người con gái như tôi không. Tôi làm việc nhiều hơn, kết bạn nhiều hơn, những chuyến đi, những người bạn, những niềm vui và nụ cười giúp tôi nguôi ngoai dần vết thương lòng, quên đi nỗi ám ảnh về tương lai của mình. Và hôm nay, khi tôi ngỡ anh đã tìm được hạnh phúc, thì anh xuất hiện trở lại. Ngày xưa, người xưa đã thôi làm tôi rơi nước mắt, nhưng vẫn không tránh khỏi cái rùng mình, không, tôi không muốn quay lại… tôi không muốn.
Trên rèm mi long lánh giọt nước mắt chưa khô, cô gái chìm dần vào giấc ngủ thanh thản. Ngày xưa ơi, ngủ ngoan đi nhé!
Hai giờ đêm, trên forum xuất hiện một nick mới “Chào các bạn mình là P. xin gia nhập câu lạc bộ với món quà ra mắt là 500.000 giúp các trẻ em nghèo. Đợt công tác xã hội sắp tới, mình xin đi cùng nhé”.
 
Top